Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Du lich Bui




Xin chào tất cả các bạn có chung sở thích: Du lịch Bụi...
Như đã hứa từ trước, mình muốn chia sẻ với mọi người một chút về chủ đề Du lịch, hay chính xác hơn là Du lịch bụi- backpack. Có nhiều kiểu du lịch, từ kiểu mua tour rồi cứ việc hưởng thụ, không phải lo nghĩ; đến kiểu tự vác xe lên đường, thử sức với những cung đường nguy hiểm vùng Tây Bắc, hay đơn giản là nhảy lên một chiếc xe khách đến một vùng miền mới, thế cũng là du lịch rồi. Tùy vào sở thích cá nhân và sự mạo hiểm, ưa khám phá của mỗi người. Trong giới hạn blog của mình, thì mình sẽ chia sẻ về cách du lịch mà mình thích nhất: du lịch khám phá văn hóa. Mình nói thật là mình bị không thích du lịch phượt xe máy lắm. Nó khá nguy hiểm và chí ít không hợp với mình ( dù mình thề là cảm giác ý rất là cool, mình đã thử leo đèo 3 tầng đằng sau lưng xe máy rồi, úi dời ơi phê như con tê tê, nhưng mà cũng lo nhỡ đang đi bay xuống vực thì chỉ còn nước mất xác, hic nói chung vẫn bị tí nhát gan). 

Kiểu du lịch mình sẽ chia sẻ với các bạn  là đi du lịch khám phá đời sống người dân, kiến trúc, ẩm thực, văn hóa và lịch sử. Đây cũng là những điều mình muốn biết nhất khi đến một vùng đất mới. Ở đây mình nói kĩ hơn là đi du lịch nước ngoài, vì trong nước thì có vẻ đơn giản hơn và cũng có vô số các bài viết để các bạn tham khảo. Mình sẽ giới thiệu với các bạn cách thức di chuyển, du lịch và khám phá ở những nước mình sắp đi nhé. Chắc chắn sẽ có nhiều tương đồng vì mình là sinh viên nên không có nhiều tiền, trước giờ toàn tự đi backpack trong nước thôi. Năm nay để kỉ niệm 20 tuổi với lại bị ức chế với một số chuyện xung quanh nên quyết tâm tự mình đi một chuyến để thay đổi tư tưởng và thử thách bản thân. Let's see how far it goes ấy mà.

Đầu tiên sẽ là chuỗi bài viết về du lịch bụi ở Malaysia và Singapore. Những mục mà mình muốn đề cập tới là:

1. Cách du lịch rẻ nhất, tiết kiệm nhất, khám phá được nhiều nhất trong khoảng thời gian lâu nhất. ( có thể áp dụng cho tất cả các nước, không riêng gì cho Malaysia và Singapore).

2. Cách săn vé máy bay giá rẻ

3. Cách tìm thông tin và lên lịch trình chuyến đi.

Tất nhiên sau đó là những kinh nghiệm thực tế và report sau chuyến đi (hiện tại mình đã report lại được kha khá rồi, mình post tất cả các bài report ấy ở bên blog wordpress, bạn nào hứng thú với Malaysia và Singapore có thể đọc tham khảo).

Mình là backpacker còn non trẻ nên tất nhiên chưa thể nhiều kinh nghiệm bằng cách anh chị đã chuyên vi vu bốn phương trời. Mình sẽ viết dưới góc nhìn của những người mới, dành cho các bạn chuẩn bị đi lần đầu tiên, cần nhiều thông tin. Khi các bạn đã đi 1 lần và dần quen rồi thì những chuyện này sẽ không còn quá khó khăn. Dù ít kinh nghiệm nhưng mình tự hào là mình có khả năng tìm kiếm và tổng hợp thông tin từ các nguồn trên Internet rất tốt, nên rất hy vọng những điều mình biết được sẽ giúp ích nhiều cho các bạn.

Trước hết, mình xin nói về thành phần đoàn tham gia chuyến du lịch này của mình. Gồm 2 đứa con gái, sinh viên năm 3, ngoại ngữ tạm ổn có thể chém với Tây và hải quan không ngại ngùng, thành thạo các kĩ năng máy tính và 1 số thiết bị hiện đại, đủ khôn để không bị lừa bán sang biên giới, đã tìm hiểu đủ thông tin, đang háo hức chờ ngày lên đường. Bọn mình không có quá nhiều tiền để đi tour ( mà thật ra có tiền mình cug đi bụi haha), ở khách sạn 5 sao, đi taxi… Mục tiêu của bọn mình là: khám phá nhiều nhất, trải nghiệm nhiều nhất, có được khoảng thời gian vui vẻ nhất với số tiền ít nhất có thể. Có lẽ sinh viên nào cũng vậy nhỉ. 

Ban đầu cũng hơi lo lắng vì chỉ có 2 đứa con gái ( đầu tiên khi cô bạn kia còn chưa confirm sẽ đi, mình đã định đi 1 mình đấy ), nhưng nói chung thì đi đến những nước văn minh hơn và chính trị ổn định thì chẳng có gì phải lo cả. Nếu các bạn là con trai thì có gì phải ngần ngại, còn con gái thì chỉ cần tránh mấy nước như châu Phi, Ấn Độ rồi Trung Á ra là được. Có một số ngoại lệ như bạn Huyền Chip thì không nói, bạn ý siêu quá rồi :D  Mình rất chi là phục  Nhưng theo mình tốt nhất vẫn là nên đi 2 người, nhưng không nên quá 4 người. Càng nhiều người càng rắc rối, dễ gây tranh cãi, khó book phòng, khó quản lý.

I. Budget travel- liệu có khó đến thế?
 
Có rất nhiều bạn nói mình không thể đi du lịch, vì nhiều lý do.

Đầu tiên là không có thời gian. Cái này chuẩn, nhất là với các bạn đã ra trường và đi làm. Học sinh sinh viên thì chỉ có lúc nghỉ Tết hay nghỉ hè thì mới dám nghĩ đến đi chơi, chứ còn trong năm chỉ lo thi cho xong đã hết hơi, thời gian đâu mà khám phá cuộc sống, mà tìm hiểu- ở đây là một cách nghiêm túc ý nhé ( dù sao học hành cũng là chuyện dài lâu, không thể coi thường được, nếu không muốn sau này cả đời lang thang luôn lol) .

Lý do thứ hai mà các bạn hay nhắc tới là bố mẹ gia đình không cho phép. Lý do này cũng chuẩn nốt, vì mình biết có nhiều bạn gia đình bọc con như bọc trứng, đi với lớp 1,2 ngày thôi còn nằn nì mãi mới đồng ý, huống chi là lang thang ở nước khác cả tháng trời, đặc biệt nếu bạn là con gái như mình.

Lý do cuối cùng, có thể coi là lớn nhất, nhưng thực sự lại kém thuyết phục nhất: là không có tiền. Rất nhiều người cứ nghĩ đi du lịch là phải nhiều tiền. Chỉ đúng khi bạn mua tour, khi bạn du lịch hưởng thụ, ăn nhà hàng, ngủ khách sạn 4,5 sao, mua sắm; còn đâu mình nói thật du lịch hoàn toàn không đến mức đắt như các bạn vẫn tưởng. Chỉ cần có kế hoạch trước và biết lên lịch tiết kiệm, thì 1 chuyến đi để đời không phải là giấc mơ vượt ngoài tầm tay.

Nói tóm lại, nếu muốn du lịch bụi- backpack- phượt thì các bạn nên cố gắng vượt qua 3 lý do ở trên, như thế thì mới yên tâm lên đường được. Nhưng vượt qua thế nào nhỉ?

*  Lên kế hoạch đi càng sớm càng tốt

Ví dụ bây giờ là đầu năm 2012, thời điểm tốt nhất để bắt đầu lên kế hoạch du lịch cho dịp hè 2012 và Tết 2013. Chuẩn bị sớm không có nghĩa là phải có lịch trình cụ thể, có budget đầy đủ. Ở thời điểm sớm thế này, bạn chỉ cần quyết định là mùa tới mình có phượt không, và đi đâu, khoảng thời gian nào. Một kế hoạch cơ bản sớm sẽ là điều tối thiểu cần thiết để giúp bạn bắt đầu tham gia vào cuộc chiến “săn” vé máy bay giá rẻ và lên kế hoạch tiết kiệm tiền bạc. Để dành khoảng 20 triệu trong 1 năm thì dễ dàng hơn nhiều là trong 3 tháng đúng không? Lên kế hoạch sớm cũng giúp bạn sắp xếp lịch học và công việc để có thể an tâm vi vu khám phá mà không phải lo nghĩ bùng học thế nào, đi chơi về có khi lại đi thi…

Hãy nhớ là không phải lúc nào nói thật cũng là tốt =) 

Đôi lúc chúng ta phải nói dối. Thật đấy, không phải là mình cổ xúy cho nói dối, lừa lọc gì đâu, nhưng đây là phương thức tốt nhất nếu muốn thoát khỏi “vòng kim cô của phụ huynh” =).

Hãy lấy chính mình là ví dụ. Mùa hè năm nay mình đã dự định từ năm ngoái là sẽ đi Malaysia và Sing. Nhưng không phải là backpack như thế này, mà là đi internship theo một tổ chức của trường. Mình đã vận động tư tưởng bố mẹ xong xuôi, để dành lịch trong suốt 1 năm để có thể free hoàn toàn trong 2 tháng. Vậy mà trượt cái độp. Má ơi ngay vòng đầu tiên chứ. Nói thiệt là đến giờ mình vẫn không hiểu sao mình bị trượt, vì thực sự nó không competitive quá, hơn nữa bọn mình cũng phải đóng một số fee không nhỏ chứ có đi free hoàn toàn đâu. Có lẽ là vì đúng là bản thân mình không hợp với lựa chọn của chương trình. Mình phải xoay ngay sang một kế hoạch khác. Không thể để một mùa hè lãng phí với mấy cái kế hoạch bị đổ bể như thế được.

Bố mẹ mình vẫn chưa hề biết là mình fail, vì đến mình cũng chả nghĩ là mình fail, thế nên cứ để vậy đi. Mình sẽ vẫn đi Malaysia và Singapore như dự định, nhưng không phải là intern, mà là phượt .At low cost of course. Và tất cả budget sẽ không được phép vượt quá số tiền mà mình dự định để dành cho “internship”. Cơ hội ngàn năm có một, lên đường thôi. Vẫn là đích đến đấy, theo một phương thức khác, và nhất là đã có được sự đồng ý của bố mẹ lol. Everything happens for a reason mà nhỉ?

Bạn nên nhớ là chỉ nên nói dối có mức độ thôi nhé. Địa điểm đi, đến, hành trình là không được phép giấu diếm, và luôn phải giữ liên lạc với gia đình. Chứ đừng có đi Trung Quốc thì bảo là đi Thái Lan, sang châu Phi nói sang Nhật Bản. Như thế lại tự đặt mình vào nguy hiểm mất rồi.

Mình nhấn mạnh lại lần nữa là những gì mình viết chỉ phù hợp cho các bạn gái, chưa đi backpack nhiều, gia đình quản hơi chặt, và…nói thật là cũng không quá máu lửa và mạo hiểm. Mình nghĩ là đa số các bạn gái đều như vậy nhỉ :”> Women need safe. Một vài cô bạn của mình cũng đã phải nhờ đến chiêu này mà giờ đây họ mới có thể tự hào mình đã ở trên đỉnh Fansipan trước tuổi 20.

* Tiết kiệm tiền.

Cái này tùy thuộc vào bạn thôi, mỗi tháng nhịn không mua 1 cái áo, không uống cafe la cà cùng bạn bè, nhắm mắt đọc ebook thay vì mua sách… thì trong 1 năm cũng để dành được khá đấy. Mình may mắn là có một cái quỹ riêng, mà mình đặt tên là “graduate fund”, do mình tích góp từ năm đầu với dự định sau khi ra trường sẽ lang thang ở châu Âu vài tháng. Tiền bạc được thưởng từ các cuộc thi, tiền lương trích hàng tháng, mình nhét vào đó cả. Lần này bị trích ra cũng không phải là ít, nhưng mình hoàn toàn hài lòng vì tiền mình tiết kiệm có thể mang lại cho mình những điều tuyệt vời như vậy. Có khi nào bạn tiêu tiền mà cảm thấy sung sướng như khi đi du lịch hay không?  Hiện tại mình đang tiết kiệm đến mức gần như là 1 đứa kiết xu huhu, nhưng cứ nghĩ đến 2 tháng hè sắp tới là lại tự an ủi được bản thân. Với con gái, việc tiết kiệm được nhiều thật là khó  Nhất là với những đứa có sở thích vừa zai vừa gái như mình :D Mình vừa thích mua sắm, thời trang, sách vở, vừa thích công nghệ, nói chung là lúc nào cũng có thể nghĩ ra cái để tiêu. Khổ lắm thay :(

Có một cách để tiết kiệm khá hiệu quả là nhét tiền vào thẻ thay vì rút tiền mặt. Với đứa lười đi rút tiền như mình thì đây thật là cách hiệu quả. Nhất là nước mình thì chưa hề có cái gọi là văn hóa quẹt thẻ hihi.

Rồi, như vậy là xong công tác vận động tư tưởng, đã quyết tâm lên đường lắm rồi. Nhưng làm thế nào để đi với cách rẻ nhất có thể bây giờ?

Muốn đi 1, 2 tháng ở nước ngoài thì phải tốn cả đống ấy chứ chẳng ít đâu.

Thế mà có cách vượt qua rào cản đấy nhé!

Những chi phí chúng ta thường phải bỏ ra khi đi du lịch:

1. Tiền vé máy bay, di chuyển.

2. Tiền ở khách sạn, nhà nghỉ.

3. Tiền ăn.

4. Tiền mua vé tham quan.

5. Tiền mua sắm.

Nói chung mua sắm có thể bỏ qua ở đây, vì nó chỉ là optional thôi. Còn ở trên kia thì mục vé máy bay và tiền ăn ở là những thứ khiến chúng ta “toát mồ hôi” nhất. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể loại bỏ được khoản chi phí ăn ở khổng lồ kia với 2 cách sau ( đây là 2 cách của mình, chắc còn nhiều cái khác nhưng mà mình chỉ chắc chắn về 2 cái này nên chỉ dám nói về cái gì mình biết thôi :”> ).


Để tìm hiểu về WWOOF mình khuyến cáo nên tự vào trang chủ của WWOOF và wiki để đọc. Các bạn không tự thân vận động tìm kiếm thì đừng nói đến chuyện backpack, sống ở Hà Nội thôi cũng là điều khó khăn rồi.

Tuy nhiên mình có thể tóm tắt lại 1 chút như sau. WWOOF là tổ chức phi lợi nhuận liên kết các nông trại hữu cơ trên 99 nước trên thế giới. Các chủ trang trại sẽ đăng kí làm host với WWOOF, và những đứa du lịch bụi như mình sẽ đăng kí làm volunteer. WWOOF là trung gian kết nối giữa 2 bên. Các host đều được WWOOF verify nên khá an toàn. Chúng ta sẽ đến ở và làm tình nguyện tại các nông trại hữu cơ, sống cùng người bản xứ, họ provide ăn, ở, còn mình provide công sức, làm việc từ 4-8 tiếng/ ngày,5-6 ngày/tuần. Host sẽ yêu cầu mình thời gian ở, min khoảng 2 tuần, max thì có khi tới bao lâu cũng được haha. Mình biết có một anh Tây đã sang Pháp ở một nông trại trong 3 năm, còn 2 anh chị khác thì đi hết từ trang trại này đến trang trại khác ở các nước trong 2 năm trời liền. Công việc thì với nữ nhẹ nhàng hơn nhiều, nấu ăn, làm vườn, nói chung là tùy mỗi host yêu cầu và do bạn negotiate. Khi đến bạn được thử việc 1 ngày, hợp thì ở, không thì chuyển. Rất cơ động :”> Có WWOOF bảo vệ rồi nên đừng sợ abuse :”>

Vì thông tin về WWOOF bằng tiếng Việt và số các bạn đã từng trải nghiệm cái này không nhiều ( mình tìm mãi mới có chị sauxanhh trên Voz, chị ý đã giúp mình khá nhiều), nên thực sự mình đã phải cày nát google đọc review của các bạn Tây, chưa kể là review về các nước SEA hầu như rất hiếm.

Thông thường mỗi nước có một trang WWOOF riêng, nhưng với các nước số host ít như Đông Nam Á và một số nước châu Âu thì tất cả các nước này sẽ join vào 1 cái gọi là Independent WWOOF.



Mình không được rõ lắm về trang WWOOF của từng quốc gia, vì khi xác định là đi đâu thì mình mới vào trang đó tìm hiểu, thế nên chỉ biết về Independent WWOOF thôi. Nhưng chắc ở nước nào thì cũng có những bước cơ bản: Nộp fee- Cung cấp code và ID- Chọn host- Contact. Những nước có mạng lưới mạnh sẽ có hỗ trợ tốt hơn, có cả bảo hiểm, support center… Còn như Independent thì mỗi nước chỉ có độ hơn chục host nên dịch vụ không có nhiều, mình phải tự thân vận động là chính.

Member fee của Independent WWOOF là 15 bảng, vì mình đi cùng cô bạn thân nên chọn đóng theo pair, được giảm 5 bảng còn 25 bảng/2 người. Các bạn cần có paypal để thanh toán qua trang web của WWOOF. Để có paypal thì rất đơn giản, chỉ cần 1 cái thẻ visa ( làm mất 1 tuần, recommend ngân hàng ACB hay Exim vì ít khi bị paypal từ chối connect) và một địa chỉ email thôi. Sau khi mình nộp tiền thì độ 2,3 giờ sau sẽ được WWOOF cung cấp cho số code để đăng nhập vào trang dành riêng cho member, cùng với thẻ ghi tên của mình và bạn đồng hành lên đó. Khi đi bạn phải in cái thẻ này ra và trình diện với host cùng một số giấy tờ cá nhân khác khi đến nơi. Member fee có giá trị trong 1 năm, mức fee này khá là thấp nhỉ :”)

Trang dành cho member này sẽ có những dịch vụ riêng mà trang thường không có (đương nhiên b-) ). Đó là list host của các nước, kèm review, miêu tả chi tiết, trang web, và cách contact. Các bạn sẽ contact qua trung gian là WWOOF, gửi email trực tiếp qua website để WWOOF có thể lưu lại những email này và có thể dùng trong tương lai nếu có trường hợp kiện cáo khiếu nại gì đó. Sau email đầu tiên thì mình và host có thể liên lạc với nhau riêng, không cần qua WWOOF cũng được :> Trên trang web còn cung cấp feedback của những người mới đi về, thông tin về các host nổi bật, blog của các tình nguyện viên, cảnh báo những host cũng như volunteer không tốt, và tip để chuẩn bị cho chuyến đi cũng như các giấy tờ cần thiết.

Hiện tại Malaysia có 11 host và mình đã contact thành công với 3 host ( xếp theo wish list :”>). Các host rất tốt và trả lời mail rất chi tiết và lịch sự. Nếu bạn nào cần hỏi thêm về cách liên lạc cũng như các vấn đề cần trao đổi với host thì cứ comment ở dưới nhé, mình sẽ trả lời theo khả năng của mình. Email đầu tiên rất quan trọng vì nó tạo ấn tượng của mình với host mà  Còn có một số tip để tìm hiểu thêm về host, nói chung cứ chịu khó google là ra cả.

Cá nhân mình rất hài lòng với host mình đã chọn, và rất háo hức chờ ngày đi. Host của mình là chuyên gia về dinh dưỡng và thiền học, từng du học ở Nhật và nói tiếng Nhật siêu. Bác ấy rất giỏi và mình hi vọng sẽ học hỏi được nhiều hơn là các kĩ năng farming lol.

Again, feel free to ask me if u need more information.

P.S: giờ đây đã ở nhà sau gần nửa năm trở về, quả thực WWOOFing là một trải nghiệm tuyệt vời của mùa hè. Tặng các bạn 1 số ảnh WWOOF của mình nhé.
 

Đây là trang web quá nổi tiếng với dân backpack rồi. CouchSurfing sẽ rất phù hợp cho những chuyến đi ngắn ngày ( WWOOF thì phải dài hơn, dành cho các bạn muốn tìm hiểu kĩ về farming và đời sống dân bản địa), vì thông thường các host chỉ cho bạn ở 1-3 ngày thôi. Nhưng bạn cũng có thể chọn cách ở hết cùng host này tới host khác. Các host sẽ cho bạn ngủ nhờ ( và ăn nhờ tùy cách bạn nhờ vả lol), thậm chí dẫn đi chơi nữa.

Để là thành viên của CouchSurfing thì đơn giản và free  Nhưng bạn cần phải viết 1 profile rất chi tiết và cẩn thận, có ảnh đầy đủ kèm theo comment của những người khác. Mọi người cũng liên lạc với nhau qua hệ thống message là chính. Cách chọn host của mình là những người có càng nhiều bạn, profile càng chi tiết, có nhiều comment cũng như mức rate cao thì an toàn  Mình ngược lại, cũng cần có 1 profile tử tế thì người ta mới dám nhận mình cho ngủ nhờ.

Lần đi Sing, với quyết tâm "không mất 1 đồng nào cho tiền khách sạn" (khách sạn ở Sing cực đắt, ở đây 3 đêm chắc móm chả còn gì ăn), bọn mình đã đặt hết niềm tin vào Couchsurfing. Chị host của mình rất dễ thương mà ngay khi nhìn ava mình đã chọn ngay tắp lự =)) vì chị ý có nét quá giống Oguri Shun :”>  Đọc sở thích của chị ấy cũng hay nữa, 25 tuổi và là photographer. Có link facebook, thế là add luôn. Sau mấy hồi trò chuyện thì tháng 8 này nếu lúc đó chị ấy ở Sing ko đi phượt lung tung đâu đó thì mình sẽ ở nhà chị ấy. (lúc viết cái này mới là tháng 6/2011 nhé). Giờ đây khi đã về nhà, chị Nadia và mình đã trở thành những người bạn tốt. Đêm hôm mình đến Sing, chị ấy đã ra đón bọn mình ở bến xe bus lúc 11h đêm, cho bọn mình ăn cơm lúc 1h sáng nữa chứ. Cả nhà chị ấy đều rất niềm nở và hiếu khách. Tháng 8 này chị ấy sang Mỹ rồi, dự định tháng 6 sang Việt Nam chơi, bọn mình sẽ lại có những cuộc reunion đáng nhớ.

Couchsurfing cũng có các hội nhóm ngay trong thành phố, và nếu bạn muốn làm quen với giới expat ngoại quốc, đây là cách nhanh và hiệu quả nhất. Làm quen với những người bạn mới, nghe những câu chuyện mới, cuộc sống thật tuyệt vời.

Một lời khuyên của mình dành cho các bạn là: hãy tập thói quen tin tưởng vào người khác. Sự thực thì số người tốt trên thế giới này lớn hơn rất rất rất nhiều tội phạm và kẻ xấu. Tin tưởng, và những điều bạn nhận lại sẽ khiến bạn bất ngờ (tuy nhiên cũng cần chọn mặt gửi vàng đấy nhé hahaha)

Tuyệt, đã được nửa chặng đường...chuẩn bị. Giờ chúng ta đến với một mục khác.

2. Bay cùng hàng không giá rẻ
 
Cách săn vé máy bay giá rẻ mà mình muốn nói sau đây chỉ áp dụng cho vé máy bay trong nước và các nước Đông Nam Á bao gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore thôi nhé, vì các nước khác mình chưa có dịp đi nên không có kinh nghiệm cá nhân lol. Có 1 số tips có thể áp dụng cho tất cả các hãng hàng không như sau:

Bước 1: Search xem destination bạn muốn đến có những hãng hàng không nào phục vụ, và đăng kí 1 tài khoản trên tất cả các website này.

Bước 2: Tìm trên facebook những official fanpage của các hãng, và Like nhiệt tình. Cả Twitter nữa nếu bạn sử dụng Twitter.

Tại sao phải làm như thế này?

Khi bạn tạo 1 tài khoản trên website, hãng sẽ yêu cầu bạn phải khai 1 số thông tin như họ tên địa chỉ SĐT hộ chiếu. Cái này sẽ được lưu giữ, rất thuận tiện nếu sau này canh vé máy bay giá rẻ bằng account của mình, tiết kiệm được thời gian điền info, nhanh chóng hốt được vé hơn.

Khi đăng kí tài khoản nghĩa là nằm trong list subscribe, khi có thông tin khuyến mại, đường bay mới, các hãng sẽ gửi email về cho bạn trước tiên.

Fanpage là nơi bạn có thể liên lạc với hãng nhanh chóng nhất. Tất cả các hãng đều đã nhận ra sức mạnh của social media nên họ chăm chút cho Facebook fanpage khá cẩn thận, trả lời nhanh và luôn lắng nghe ý kiến. Các thông tin khuyến mãi cũng được cập nhật nhanh chóng, cá biệt còn có những cuộc thi riêng rành cho fan trên Facebook và phần thưởng là các vé máy bay. Quá tuyệt.

Bước 3: đi làm 1 cái thẻ Visa Debit. Thủ tục nhanh gọn, chỉ cần nộp CMND và trên 18 tuổi, luôn có ở đó tầm $100 để vợt vé cho tiện. Không có thẻ thì chẳng làm ăn gì được với các mục khuyến mãi online cả.  Cá nhân mình rất thích ACB, thanh toán trong và ngoài nước đều rất okei, cả kết nối với paypal cũng ngon lành cành đào, dịch vụ ổn, fee ngoại tệ hơi nhỉnh hơn các ngân hàng khác, nhưng cũng không đáng là bao.

Rồi, giờ thì đi vào từng mục riêng.

Các hãng hàng không nội địa

Hiện nay ở VN nếu muốn đi từ Nam ra Bắc và ngược lại bằng máy bay thì có 3 sự lựa chọn nổi nhất: VietnamAir, Jetstar và hãng mới đi vào hoạt động từ 12/2011 là Vietjet Air. (còn có Mekong Air cơ mà giá cao mà mình chưa đi bao giờ nên mù tịt :">)

Vietnam Airlines:

Hãng hàng không quốc gia. Giá vé cũng tầm quốc gia nốt. Mình không có điều kiện nên không ham hố VNA lắm, lại được thêm khoản tiếp viên rất kiêu nên mình càng không thích tợn. Đi trong nước đằng nào cũng có 2 tiếng thôi nên mình cũng không việc gì phải tốn tiền đi VNA cả, cứ 2 hãng kia mà quất cho lành. Mà nếu không may mắn được đi máy bay to, đi máy bay nhỏ của VNA thậm chí còn lắc hơn cả Jetstar ấy chứ. Đồ ăn thì lúc dở lúc tàm tạm, nói chung là bình thường.

Tuy nhiên VNA cũng có khuyến mãi, nếu vợt được thì cũng okei, đặc biệt là bay quốc tế. Thông thường các đợt xuất vé cách nhau vài tháng, diễn ra trong độ 1 tuần, nhưng hết cũng rất nhanh, may mắn lắm mới book online được, có vẻ như đã bị các tay to với các đại lý tóm hết rồi. Nếu bạn quen người làm ở VNA hay các đại lý, giá vé thậm chí chỉ còn 2/3. Bay nội địa thì dù có khuyến mãi đi chăng nữa thì vì tax cao nên giá vẫn cao, còn bay quốc tế chỉ có lợi cho các đường bay đi châu Âu hoặc Mỹ, thi thoảng là Nhật, sinh viên thì được ưu đãi hơn tí chút với được tăng kg kí gửi, chứ bay quanh quanh SEA thì vẫn khá cao so với các hãng nước bạn.

VNA dạo này cũng đi kịp thời đại, cập nhật Facebook, mới đây nhất là có cuộc thi Đặt vé online nhanh để được 1 cặp vé khứ hồi nội địa, rồi thi chia sẻ tip du lịch Việt Nam. Âu cũng là có tiến bộ.

Chương trình tích điểm thưởng với mấy cái Golden Lotus program cũng hấp dẫn, nhưng vì mình cũng chẳng đến mức đi máy bay như đi chợ nên cái này ngoài tầm với haha.

Jetstar

Hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của VN, thuộc Jetstar Pacific, hay được gọi là Delay Airlines cùng với VNA là Sorry Airlines. Lạ là 2 lần mình bay với Jetstar chưa bị delay phát nào, lúc nào cũng đúng giờ, tiếp viên dễ thương niềm nở nên mình khá ưng. Đi máy bay thì êm nữa chứ.

Jetstar có chương trình khuyến mãi hàng tuần, vào crazy Friday, diễn ra từ 2h-5h chiều thứ 6. Các bạn đăng kí tài khoản thì sẽ được email báo lại. Mua vé càng sớm thì càng rẻ, càng sát ngày thì cao chả kém VNA. Đôi lúc tự nhiên cũng hứng lên bán vé 0k hoặc 15k, luôn sẵn sàng thẻ Visa nhé. Lúc thanh toán nhớ chọn VND thì không bị charge thêm fee, thanh toán online cũng rẻ hơn mấy chục k so với thanh toán ngoài phòng vé nữa. Thường thì một năm có được 1 đợt vé 0đ như thế, còn những đợt vé giảm đi vài trăm thì mỗi mùa 1 lần. Chính vì thế mình mới khuyên các bạn nên lên lịch đi chơi trước tầm nửa năm để có thể kiếm được giá bất ngờ này,

Đường bay quốc tế của Jet thì chỉ có đi Sing với Úc. Hay có khuyến mãi cho đường bay Sing, có lúc là 0đ nhưng tax lên thì cũng tầm $100 khứ hồi, mà chả hiểu sao bay sang Sing lại cứ phải transit ở KL, vớ phải chuyến giá rẻ thì xác định ngủ ở sân bay vì toàn đến lúc nửa đêm. Anw thì ngủ ở Changi cũng rất ổn, được xếp hạng nhất trong số các sân bay ngủ sướng nhất thế giới cơ mà, nên thử 1 lần cho biết. An toàn và sạch sẽ.

Vào đợt sinh nhật hãng hàng không cũng hay có vé giá rẻ, năm nay còn có trò mua 1 tặng 1, tiếc là lúc đấy mình chẳng có nhu cầu đi nên không mua được cái nào.

VietJet Air

Hãng này mới toanh toành toành này. Mới có mỗi đường bay HN-SG thôi, ĐN thì chưa biết lúc nào mới bắt đầu từ HN, chứ HCM thì tháng 4 mới phục vụ, mà mới có HN-Nha Trang thì phải. Ưu điểm là thân thiện, FB cập nhật siêu nhanh và giá rẻ hơn hẳn 2 hãng trên. Có lẽ mới nên biết tiếp thu khắc phục nhược điểm.

Dù mới được 4 tháng nhưng VJA đã có một vài chương trình khuyến mãi khiến các bạn săn vé phát cuồng như vé 100k, vé 10k, gần đây là vé 590k, vé 299k (đến tháng 4 cơ đó). 2 đợt đầu mình đã hốt được 2 vé 100k và 4 vé 10k cho các bạn, sung sướng lắm ý. Mức độ cạnh tranh không khắc nghiệt bằng AirAsia với lại các bạn VN còn hơi kém khoản book online và không quen dùng thẻ nên mình vớt vé khá dễ dàng. Các nhân viên cũng rất niềm nở và dễ chịu. Có cả cuộc thi show ảnh Tết nhận vé gì đó trên FB nữa.

Có 1 nhược điểm là VJA website hơi lởm, thế nên mỗi lần có đợt khuyến mại là lag điên cuồng, đa số không load nổi. Tip của mình là F5 F5 F5, liên tục không ngơi tay. Điền từng bước, nếu ấn Next mà bị lỗi thì back ngay lại, thông tin vẫn được lưu, và lại F5 tiếp. Hơi mệt 1 tí nhưng nhờ cách này mà mình đã book được rất nhiều vé rẻ của VJE. Liên tục cập nhật Facebook của fan của VJE rất chăm chia sẻ thông tin trên FB. Giờ tung vé không cố định nên FB là kênh update hiệu quả nhất, bao giờ thấy bạn nào hô là nhảy vào ngay, đỡ mất công ngồi canh.

Feedback của bạn mình vừa đi Vietjet bằng cái vé 10k: máy bay mới, thơm tho to đẹp, tiếp viên xinh và dễ chịu. Tốt, mình sẽ chọn Vietjet.

Các hãng hàng không quốc tế

Với du lịch Đông Nam Á, phải nhắc đến đầu tiên chính là Air Asia- hãng hàng không giá rẻ chuyên nghiệp, đường bay nhiều, lắm khuyến mại, lựa chọn tuyệt vời cho dân backpackers.

Air Asia

Hãng hàng không của Malaysia với những đường bay vươn khắp châu Á và đang tiến tới châu Âu. Một năm AA có 2 đợt Super/Mega Sale với giá vé $0 (sau khi tax tầm $40), nhưng quả thực đây đúng là một cuộc chiến khốc liệt. Lúc này mới thấy tác dụng của việc có account với thông tin trước tiện dụng như thế nào. Thường thì email thông báo các đợt sale sẽ được gửi đến email trước khi chính thức launch tầm 2 ngày, thế nên hãy chuẩn bị sẵn sàng tinh thần. SEA đang là 1 điểm nhắm du lịch của thế giới nên chúng ta sẽ phải chạy đua với cả thế giới để lấy vé rẻ đấy T.T

Chương trình sale thường bắt đầu từ 12h đêm Malaysia, nghĩa là 11h đêm ở VN. Nhưng các bạn hãy vào website từ trước 11h khoảng 10 phút, vì mấy lần mình chờ đúng giờ toàn bị nhét vào phòng chờ ( AA có cái trò khi quá đông lượt truy cập thì người vào bị nhét vào cái trang phòng chờ, có con ong bay lượn, rất mệt). Vẫn tip cũ , F5 liên tục cho đến lượt mình, có mệt cũng phải F5. Nếu sau tầm 1 tiếng không xơ múi được gì thì nên tắt đèn đi ngủ, tầm 3-4h sáng dậy F5 tiếp, lúc này 1 phần dân tình đã đi ngủ nên traffic đỡ hơn. Mình mới xơ múi được vé 0 đúng 1 lần haha, nhưng đến lúc thanh toán nhớ ra trong thẻ không có tiền nên đành cancel =))
 
AA có rất nhiều chương trình khuyến mại, 1 tháng 1 lần, dành cho đợt bay ngay tháng sau hoặc cách đó 4-5 tháng. Lên kế hoạch trước lại một lần nữa sẽ giúp bạn mua được vé rẻ. Càng xa càng rẻ, hãy nhớ như thế. Mình đã mua được vé đi Malay năm ngoái chỉ với $26 thôi nhé, trước khi bay tầm 3 tháng. Sớm hơn chắc chỉ có $13.

Có 1 điều lạ là với AA, bay đi đâu từ SG cũng rẻ hơn HN. Thế nên nếu bạn thấy vé chênh lệch giữa HN và SG quá nhiều, có thể cân nhắc khả năng lấy SG làm điểm transit. Nghĩa là bay từ SG, còn từ Hn vào SG đi đường bộ hoặc vé máy bay giá rẻ của Jetstar VJE. Đôi lúc cộng cả tiền vào như thế vẫn rẻ hơn bay thẳng từ HN. Năm ngoái mình bay từ HN vào SG chơi 4 ngày rồi mới từ SG đi Malay, thế mà tổng giá vé vẫn rẻ hơn bay thẳng từ HN khoảng 1tr lol.

1 điểm nữa, AA là hãng hàng không Malaysia, nên giá vé bay từ KL cũng rẻ giật mình. Mình từng sững sờ với các giá vé đi Nhật hoặc Ấn Độ chỉ mấy chục đô $_$ Nếu các bạn định đi các nước kia mà thấy bay từ KL rẻ thì cũng nên múc, cộng cả vé bay sang KL vào thì total vẫn rẻ hơn bay thẳng từ VN, lại được ăn chơi ở KL thêm mấy ngày. AA có rất nhiều online contest trên FB như chụp ảnh, trả lời câu hỏi bla bla. Update và chờ may mắn nhé.

AA bây giờ cho check in online, xem xét vụ này để không bị charge $5 ngoài sân bay nhé. À mà fee thanh toán khi book online với AA là $6, thêm $13 hành lý kí gửi cho 13kg/chiều.

Tiger Airway

Hãng hàng không giá rẻ của Singapore. Càng sớm càng rẻ, nó có loại vé Early bird dành cho người book sớm, rẻ giật mình. Mình chưa đi hãng này bao giờ, nhưng nghe bạn mình đi rồi nói cũng hay delay và chất lượng không tốt lắm. Anw rẻ là trên hết. Đăng kí acc và thông tin khuyến mãi sẽ được gửi cho bạn. Và bay từ SG rẻ hơn bay từ HN rất nhiều.

Nếu vé đắt quá, bạn có thể mua vé của AA rồi từ KL bắt xe bus sang Sing. Mất thêm 6 tiếng và giá vé là SGD30, xe đẹp tuyệt vời. Hoặc nếu vé Tiger rẻ hơn thì đi Tiger sang Sing rồi đi bus về Malay. Cách nào cũng ổn hehe. Nếu không sợ mất thời gian có thể đi AA từ Sing sang Mal, có $9/chiều, nhưng cộng cả hành lý vào cũng không rẻ hơn bus mấy, lại còn mất time check in.

Qatar Airways

Nếu bạn không kịp múc vé AA giá rẻ đi Thái, Qatar Airlines có thể là “vị cứu sinh”. Dù là hãng hàng không 5 sao nhưng QA vẫn có các vé promo rất hấp dẫn, khứ hồi đi Thái từ HN chỉ khoảng $189 mà đã bao gồm tất cả, cả bữa ăn và 23kg hành lý. Hàng không 5 sao nên không cần phải phàn nàn về thái độ phục vụ, các bạn mình đi đều rất hài lòng. Chỉ có 1 điểm trừ là các chuyến bay thường đến BK lúc 1h sáng nên sẽ phải ngủ lại ở sân bay. Gần đây các hãng du lịch đã nhận ra tiềm năng của QA và bắt đầu chuyển sang đi hãng này thay vì VNA cho giá rẻ hơn.
QA thường xuyên có giá vé đặc biệt đi đến châu Âu và Mỹ, transit tại BK or Doha, các bạn có nhu cầu thì để ý nhé, subscribe luôn cho tiện.

Ngoài ra thì Malaysia Air cũng hay có khuyến mại, cũng là hàng không 5 sao nốt nên dịch vụ rất oki. Vé khuyến mại thì vẫn đắt hơn AA tầm 50 đô nhưng rẻ hơn VNA, và vé đã include all rồi.

Với các đích đến là EU hay US thì có một số webiste của các search engine giúp bạn tìm vé từ nhiều hãng, so sánh giá vé luôn. Mình chưa dám mơ đến đi mấy chỗ này nên chưa tìm hiểu, có gì update sau.

Phù phù, viết được đến đây (dù chỉ là collect lại mấy bài cũ và edit) mà đã thở không ra hơi. Chúc các bạn săn được nhiều vé máy bay rẻ, bay đến nhiều miền đất mới, có những chuyến đi để đời với mức giá siêu thấp nhé !
Bài dự thi của mình xin phép dừng ở đây ạ :). Xin cảm ơn các phượt đã theo dõi bài viết. xin cho ý kiến các bạn nha...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét